Ngột ngạt, kinh hoàng, nghẹt thở đến mức báo động đỏ – đó là những cụm từ đơn giản nhất để miêu tả về tình trạng ô nhiễm hiện nay ở các thành phố lớn tại Việt Nam nói chung và các quốc gia đang phát triển nói riêng. Thật bất ngờ, theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, có đến 90% dân số trên thế giới đang sống dưới bầu không khí ô nhiễm nặng nề, trong khi những công dân Phần Lan lại may mắn nằm trong phần còn lại.
Lối mòn mà hầu hết các quốc gia như Việt Nam đang mắc phải là quá chú trọng vào các mục tiêu kinh tế và bỏ qua rủi ro phương hại đến môi trường. Chính vì thế, khi ngày một lún sâu, rất khó để khôi phục lại tình trạng như ban đầu. Nếu không có những biện pháp kịp thời, chúng ta có thể sẽ lại đi theo vết xe đổ của Trung Quốc, đặc biệt là thành phố Bắc Kinh – thành phố chỉ thấy được mặt trời mọc bằng đèn led do tình trạng ô nhiễm không khí quá nặng nề. Hơn 7 triệu người bị chết mỗi năm do ô nhiễm không khí, theo báo cáo của WHO. Khi các hạt mịn từ các chất ô nhiễm lấp đầy không khí, chúng xâm nhập vào phổi và gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, các bệnh liên quan đến phổi gây tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp.
Nếu bạn thật sự mong muốn được sống ở một nơi không quá xô bồ, nhưng vẫn đầy đủ các công nghệ tối tân, quan trọng là bầu không khí trong lành tuyệt đối, Phần Lan ắt hẳn là thiên đường dẫn đầu trong danh sách của bạn. Nới đây sở hữu một trong những bầu không khí sạch nhất thế giới, điều đó cũng có nghĩa người dân nơi đây tránh được phần lớn các bệnh suy nhược do ô nhiễm gây nên.
Pia Anttila, thuộc Viện Khí tượng Phần Lan cho biết một số yếu tố vì sao Phần Lan sở hữu chất lượng không khí tốt đến như vậy: “Phần Lan nằm ở vị trí tương đối xa so với các thành phố lớn của châu Âu, do đó lượng khí thải từ việc vận chuyển trong phạm vi dài vẫn còn thấp. Hơn nữa, chỉ có một thành phố lớn ở Phần Lan là Helsinki – và thậm chí chất lượng không khí ở đây cũng rất đáng ngưỡng mộ. Không có quá nhiều dân và ít xe hơi, thay vào đó mọi người ưa chuộng sử dụng các phương tiện công cộng và xe điện. Hơn nữa, Phần Lan có hệ thống quản lý chặt chẽ để cắt giảm đáng kể khí thải công nghiệp. Chính phủ cũng đưa ra các quy định liên quan đến môi trường nghiêm ngặt, họ đầu tư vào năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng và hồ”. Đặc biệt, một xã hội văn minh với ý thức sống chan hòa với thiên nhiên, cân bằng giữa sử dụng và tái tạo là điều vô cùng trân quý, làm nên môi trường trong sạch tại quốc gia này.
Hiện nay, Phần Lan đang trên đường đạt được các mục tiêu đặt ra theo Thỏa thuận khí hậu Paris đó là: Làm sạch không khí và dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
>>> Tham khảo thêm: Phần Lan đứng đầu quốc gia thân thiện nhất thế giới 2020.